Làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ em nói chung rất dễ bị nhiễm trùng dẫn đến chốc lở. Điều này sẽ khiến cho các mẹ cảm thấy hoang mang không biết chữa trị như thế nào hiệu quả. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Mamy tham khảo cách xử lý các vết mụn chốc lở ngoài da ở trẻ em.
Mụn chốc lở được xem là tình trạng nhiễm trùng nông ở trên da do vi khuẩn gây ra. Bệnh này rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bị bệnh đến các vùng da lành hoặc từ trẻ này sang trẻ khác. Mẹ nuôi con cần phải quan tâm thật nhiều tới trẻ để tránh những tai nạn không đáng có.
Biểu hiện của mụn chốc lở
Mụn chốc lở được phân loại theo hình thái thương tổn là có bọng nước và không có bọng nước. Nguyên nhân thường do các tụ cầu khuẩn gây ra. Khởi đầu là các vết dát đỏ kích thước khoảng từ 0,5-1 cm. Chỉ sau khoảng 1 ngày sẽ nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Bọng nước có dấu hiệu nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Các thương tổn khỏi không để lại sẹo.
Vị trí thường gặp của bọng nước là ở phần vùng da hở hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả khu vực lòng bàn tay, bàn chân. Tại vùng da đầu mụn có xuất hiện tiết chất dịch có thể làm tóc bết lại. Trẻ có thể ngứa, gãi làm thương tổn lan rộng hoặc chàm hóa, lan sang vùng da khác.
Xử trí mụn chốc lở
Bố mẹ tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn. Sau đó mẹ có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000 để chấm lên bề mặt da bị thương tổn vừa để chống nhiễm trùng vừa hạn chế tổn thương lan rộng. Nếu mẹ điều trị cho bé một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ để được khám chữa kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra .
Phòng ngừa và hạn chế bệnh lan rộng
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh mụn chốc lây lan là luôn để làn da của trẻ được thoáng mát cho bé mặc quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm mồ hôi, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan.
Bảo vệ da kỹ càng không để bị xây xát. Cha mẹ nên cho con chơi ở chỗ sạch, tránh bùn đất, hạn chế chơi gần vật nuôi và những chỗ có nhiều côn trùng.
Mẹ cần giữ cho da trẻ sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên. Hoặc tắm cho trẻ bằng các loại nước lá. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày, cắt tóc, cắt móng tay đúng định kỳ. Tránh cho con ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng.
Trên đây là những điều cần lưu ý cho các bà mẹ khi điều trị mụn chốc lở cho bé. Bệnh này khá lành tính nếu điều trị đúng cách sẽ không để lại sẹo. Hy vọng những thông tin trên đây của chúng tôi sẽ giúp các mẹ chăm sóc sức khỏe cho con một cách tốt hơn.